Có đúng là chất lượng xe Hàn đã vượt xe Nhật?

Chuyên đề: Tư vấn mua xe
Chỉnh sửa lúc: 19/07/2015

Theo kết quả năm 2015 của Nghiên cứu về chất lượng ban đầu, Initial Quality Study (IQS), do hãng tư vấn J.D. Power thực hiện thì 2 hãng xe Hàn Quốc KiaHyundai có thứ hạng rất cao, trong khi những hãng xe Nhật như Toyota, Honda, Mazda chỉ ở mức trung bình, thậm chí là thấp. IQS là một trong những chỉ số được biết đến nhiều nhất trong ngành công nghiệp xe hơi. Do đó giới truyền thông và nhiều người tiêu dùng đã xem đây là dấu hiệu cho thấy chất lượng xe Hàn đã vượt xe Nhật. Nhưng ý nghĩa thực sự của IQS là gì?

Kết quả năm 2015 của IQS

Lỗi khách quan vs. lỗi chủ quan

IQS tổng hợp những lỗi mà chủ xe gặp phải trong vòng 3 tháng sau khi mua xe mới. Nó bao gồm những lỗi cơ khí truyền thống như cửa kính điện không hoạt động hay xe bị chảy nhớt. Song các lỗi này cũng có thể liên quan đến các trang thiết bị vận hành không đúng như kỳ vọng của khách hàng hoặc khó sử dụng. Loại lỗi thứ 2 này trên thực tế mang nhiều tính chủ quan cá nhân hơn. Một ví dụ là vấn đề kết nối Bluetooth với điện thoại. Khó có thể xác định đó là lỗi do xe hay lỗi từ điện thoại, hay do người dùng chưa quen sử dụng.

Vấn đề chính là việc J.D. Power kết hợp điểm số từ 2 loại lỗi khác nhau này vào thành một chỉ số duy nhất. Một chuyên gia đã so sánh cách tính điểm này giống như cộng chiều cao và chỉ số IQ của một người thành một con số chung. Câu hỏi được đặt ra là tại sao J.D. Power gộp chung 2 tiêu chí này lại với nhau? Một lí do có thể là vì mục đích giữ điểm số, được tính bằng số lỗi trên 100 xe, đủ cao để khiến công chúng phải chú ý. Mức điểm trung bình của năm nay là 112.

Ý nghĩa của IQS

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của IQS thì cũng cần nhắc lại mục tiêu ban đầu của nó. IQS được tạo ra để theo dõi các vấn đề xuất hiện trong quá trình lắp ráp tại nhà máy, nguyên nhân gây nên những lỗi cơ khí lớn trong thời gian đầu sử dụng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các hãng xe đã ứng dụng những hệ thống quản lý chất lượng, mà tiên phong là Toyota với Toyota Production System, và qua đó đã gần như loại bỏ những lỗi gây ra do quá trình sản xuất.

Kết quả của những cải tiến trong quá trình sản xuất là chất lượng của toàn ngành xe hơi đã cao hơn nhiều so với trong quá khứ. Khách hàng gần như không còn phải gặp những lỗi lớn như xe chết máy, chảy nhớt, hay một con ốc được vặn không đủ chặt…trong thời gian đầu sử dụng. “Tìm ra một lỗi cơ khí trong 3 tháng đầu tiên (mốc thời gian theo dõi của IQS) hiện nay là cực khó”, theo lời ông Dave Sullivan, một chuyên gia phân tích cấp cao trong ngành xe hơi.

Thay vào đó, những lỗi liên quan đến các hệ thống thông tin, giải trí đã chiếm phần lớn trong chỉ số của IQS, và những lỗi này đôi lúc khó có thể được đánh giá và theo dõi một cách khách quan. Vì vậy kết quả của IQS càng ngày càng càng mang tính chủ quan hơn. “Cứ sau mỗi năm, tôi lại đọc IQS với một sự dè dặt ngày càng lớn”, ông Sullivan nói thêm. Trên thực tế, ngày nay mọi chiếc xe khi mới mua đều rất tốt và gần như không có sự khác biệt nào về chất lượng giữa các hãng trong khoảng thời gian này. Vì vậy IQS dần đi theo hướng “bới lông tìm vết”, kể cả những lỗi nhỏ nhất, nhằm tạo ra một kết quả có sự chênh lệch giữa những nhà sản xuất.

Những điều rút ra từ IQS

Về bản chất thì IQS giống như một chỉ số đo lường mức độ hài lòng của khách hàng trong thời gian đầu sau khi mua xe hơn là đánh giá chất lượng thực sự. Tuy nhiên do có chữ “Chất lượng” trong tên gọi nên giới truyền thông và người tiêu dùng thường xem đây là thước đo so sánh chất lượng giữa các hãng xe. Trên thực tế, bên cạnh IQS thì J.D. Power còn có một chỉ số khác là VDS (Vehicle Dependability Study), Nghiên cứu về độ tin cậy của xe hơi, có thể phản ánh chính xác hơn chất lượng thực sự. VDS thu thập thông tin về các lỗi của xe sau 3 năm sử dụng. Đây cũng là mốc thời gian mà thời hạn bảo hành của đa số các hãng xe kết thúc.

Như vậy khó có thể kết luận rằng chất lượng của xe Hàn đã vượt xe Nhật nếu chỉ dựa vào kết quả của IQS. Nhưng một điều chắc chắn là chất lượng nói chung của hầu hết mọi hãng xe đều đã được nâng cao đáng kể so với trong quá khứ. Theo nguyên tắc chung thì một thị trường càng có nhiều nhà cung cấp, nhiều sự cạnh tranh thì càng tạo nhiều sức ép để cải tiến chất lượng và giảm giá thành. Do đó, sự lớn mạnh của những thương hiệu xe Hàn Quốc trong thời gian qua có thể đem lại lợi ích chung cho tất cả người tiêu dùng, kể cả những người dùng xe Nhật.

Bạn cảm thấy bài viết hữu ích?

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất