Kinh nghiệm lái xe trong thành phố

Chuyên đề: Hướng dẫn sử dụng & Kinh nghiệm lái xe
Chỉnh sửa lúc: 03/10/2013

Việc di chuyển trong các thành phố lớn dày đặc xe cộ là nỗi ám ảnh của các lái xe, nhất là những người mới có bằng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lái xe an toàn nếu chịu khó quan sát và tập luyện.

Đối với những người mới có bằng lái và mới mua xe con thì việc va quẹt, trầy xước xe là điều không có gì ngạc nhiên. Bởi trong những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc lái xe trong khung cảnh xe cộ nối đuôi nhau không dễ chút nào. Trước khi trở thành "tay lái lụa", những người lái đều phải trải qua thời điểm làm quen xe, trải nghiệm thực tế.

Để có thể lái xe an toàn trong đô thị, trước tiên, phải học thật kỹ lý thuyết cũng như Luật Giao thông Đường bộ. Cũng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng kèm theo xe, nắm vững các tính năng của đèn báo trên bảng táp lô, biết các ký hiệu, vị trí thay dầu, thay nước làm mát, nước rửa kính, vệ sinh lọc gió, kiểm tra áp xuất lốp, cách thay lốp, một số nguyên lý cấu tạo xe... Khi vận hành xe, phải chạy chậm, giữ đúng làn đường và đừng sốt ruột khi xe taxi hay xe khác bóp còi đòi vượt. 

Chưa vững tay lái mà phải "ép đường" cho xe sau vượt lên thì rất khó để trở lại làn đường cũ. Muốn vượt, cứ để họ lấn đường mà tiến. Ngược lại, bạn cũng không nên vượt xe khác, phải giữ tốc độ ổn định. Nếu bắt buộc phải vượt thì đủ điều kiện mới vượt và nên vượt bên trái. Trước khi vượt, phải nhớ bật đèn xi nhan, nhấn còi, để số hợp lý và khi vượt phải dứt khoát, vượt xong phải xin đường trở về làn. Lái xe trong điều kiện này, phải quan sát kỹ trước, sau, hai bên xe để có cảm giác lái tốt.

Nếu bắt buộc phải vượt thì đủ điều kiện mới vượt và nên vượt bên trái.

Khi chạy trên đường đông, không đánh vô lăng mạnh, tránh thắng gấp vì có nguy cơ bị "thúc đít" từ những xe sau và lượng xe máy đang ùn ùn lao tới. Một chia sẻ nhỏ của giới cầm vô lăng là trong những đô thị đông đúc, nên giữ khoảng cách vừa đủ để không đụng xe trước nhưng không để xe máy vượt qua. Vì một xe máy đã "lọt" thì sẽ có rất nhiều xe máy khác chen vào khi đường bị tắc, và như vậy, xe bạn sẽ bị "chết đứng". Trong những trường hợp này, nhớ giữ chân côn, không tăng ga, sang số 2 hoặc số 1.

Va chạm liên hoàn vì thắng gấp, không giữ khoảng cách đủ an toàn với xe trước.

Một điều nữa đối với những người mới lái xe là muốn nghe nhạc thì chỉ mở nhạc với âm lượng nhỏ để không bị phân tâm khi phải xử lý các tình huống trên đường. Cũng không nên dùng điện thoại khi lái xe. Nếu có những việc cần phải liên lạc gấp qua điện thoại, nên để chế độ rảnh tay và qua buetooth. Khi qua các ngã ba, ngã tư, nên chú ý đọc biển báo để không vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Tuyệt đối không chạy theo xe buýt vì có những lối rẽ chỉ dành cho xe buýt, xe con không được lưu thông.

Tâm lý vững khi lái cũng là điều quan trọng không kém đối với người điều khiển xe bốn bánh. Bạn phải thật thoải mái, bình tĩnh và bỏ hết các kế hoạch làm ăn, kinh doanh trong đầu khi vận hành xe. Vì chỉ cần một chút lơ đễnh có thể dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Đó là lý do các doanh nhân rất hiếm khi lái xe mà giao việc này cho tài xế.

Tóm lại, để lái tốt trong điều kiện đường sá nhộn nhịp xe cộ như hiện nay, người cầm vô lăng không chỉ phải nắm vững lý thuyết lái xe, Luật Giao thông Đường bộ mà còn cần kinh nghiệm xử lý tình huống và cảm giác lái. Những điều này không chỉ học ở trường dạy lái xe mà còn phải trải nghiệm từ thực tiễn.

(Theo Chí Công/DNSG).

Bạn cảm thấy bài viết hữu ích?

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất