Chevrolet Trailblazer - Chiếc SUV 4x4 'vô đối' trong tầm giá 1 tỷ đồng

Chuyên đề: Đi xe đường trường
Chỉnh sửa lúc: 07/09/2018

Chevrolet Trailblazer có lẽ là chiếc SUV 7 chỗ đầu tiên vượt qua nghị định 116 để được chính thức bán tại Việt Nam. Và trong hành trình gần 600km từ núi rừng Tây Nguyên cho đến những cung đường ven biển đẹp tuyệt vời, tôi đã dịp trải nghiệm Trailblazer phiên bản 2.5 VGT 4x4 AT LTZ giá 1,035 tỷ đồng. 

Ngày 1: Từ Pleiku đi Quy Nhơn

Khó khăn đầu tiên của hành trình là vượt qua một chiếc cầu treo với dòng nước chảy xiết bên dưới Khó khăn đầu tiên của hành trình là vượt qua một chiếc cầu treo với dòng nước chảy xiết bên dưới

Xuất phát ngày đầu tiên từ Pleiku, ban tổ chức đã sắp xếp bốn người trên một Trailblazer phiên bản 2.5 LTZ cao cấp nhất với hộp số tự động và hệ dẫn động 2 cầu. Đi cùng hành lí và thiết bị tác nghiệp nên khối lượng mà xe phải gánh cũng gần bằng việc chở 7 người. DanhgiaXe cho rằng đây là tình huống sử dụng xe sát với thực tế nhất, từ đó giúp đưa ra những nhận xét chính xác về khả năng vận hành của Trailblazer.

Trailblazer ở ngoài thực tế khá to lớn và cơ bắp, phần thân xe cũng được tạo hình thêm những đường gân nổi đẹp mắt. Riêng chiếc Trailblazer mà tôi sử dụng được "độ" sẵn 4 ốp hốp bánh mang đến cảm giác nhìn "ngầu" hơn. Phiên bản LTZ được trang bị bộ mâm 18 inch khá ổn (nhưng nhỏ hơn mâm 20 inch của Ford Everest vừa mới ra mắt).

Do xe khá cao, bước lên bệ bước và sử dụng tay nắm thì mới có thể lên xe dễ dàng. Với tay đóng cửa "rầm" một cái thì tôi khá thích thú bởi âm thanh rất chắc chắc. Không gian trong xe rất rộng rãi, tôi ngồi ở ghế tài và đo thử thì khoảng cách từ đỉnh đầu đến trần xe gần 20cm. 

Một điểm đáng tiếc là Trailblazer ở bản cao cấp nhất (LTZ vẫn dùng ổ khoá xoay chứ chưa có nút khởi động). Tuy nhiên tôi khá bất ngờ với động cơ 2.5 VGT vì hoạt động êm ái và có ít tiếng ồn lọt vào khoang trong. Một điều lạ là vô-lăng lại hơi rung khi xe nổ máy cầm chừng nhưng lại hết khi xe vào số và lăn bánh.

Ngoài quốc lộ, đường đẹp thì hệ thống treo của xe làm việc khá êm ái có lẽ được tinh chỉnh theo hướng mềm để phục vụ cho gia đình. Khối động cơ 2.5 êm hơn so với động cơ 2.8 trên Colorado. Tiếp đến, đoàn đi vào hồ Vĩnh Sơn để tham gia phần off-road nhẹ và trải nghiệm hệ thống dẫn động hai cầu của Trailblazer. 

Vùng bờ hồ khá rộng lớn với địa hình đất khá mềm, thực sự là thử thách một chiếc SUV 2,2 tấn và thêm trọng lượng gần "7 người". Từ đường nhựa để vào sát hồ chỉ khoảng 1 km, xe vẫn bò vào được nhưng cảm giác nặng nề do bị lún (vẫn ở chế động dẫn động 1 cầu) và càng nhấn ga mạnh thì bánh xe lại càng "đào" sâu xuống đất chứ không thể tiến lên phía trước.

Chuyển sang 4H (2 cầu nhanh) thì chỉ cần chớm nhẹ chân ga là xe có thể chạy băng băng, thậm chí chưa cần chế độ 4L (2 cầu chậm). Lúc này thì giá trị của hệ dẫn động hai cầu nếu chọn chiếc Trailblazer để đi chơi theo đúng tinh thần khám phá hay cắm trại kiểu "bụi bặm"

Và chặng đường tiếp theo vượt qua khu rừng Kon Chư Răng, giáp ranh hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai để theo QL19 ra QL1A về thành phố biển Quy Nhơn. Lúc xuất phát từ hồ Vĩnh Sơn đã là khoảng 5h chiều và trời tối rất nhanh trong rừng, chỉ khoảng 1 tiếng sau là thành ban đêm và không còn một chút ánh sáng mặt trời nào. Con đường xuyên rừng với nền bê tông hơi trượt cùng hàng chục km cua gắt và đèo dốc liên tục quả là những trải nghiệm thú vị.

Do hệ thống treo được tuỳ chỉnh theo dạng êm ái nên có phần hơi mềm khi ôm cua liên tục, cùng với việc xe có trọng tâm tương đối cao thì hai anh đồng nghiệp ngồi ở hàng ghế phía sau cho biết là hơi bị say xe. Vì trời đã tối nên xe dẫn đoàn chủ động đẩy cao tốc độ lên 70-80km km/h, dù xe có hơi nghiêng nhẹ nhưng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát và hệ thống cân bằng điện tử chưa có dịp để làm việc. 

Lúc này thì hệ thống đèn pha Halogen của xe đã bộc lộ nhược điểm là ánh sáng không thực sự tốt nhìn và phải căng mắt tập trung nhìn đường. Nếu xe được trang bị đèn LED và có thêm gương cầu thì sẽ giúp tài xế tự tin hơn trong việc đi đêm

Ngày 2: Quy Nhơn đi Nha Trang

Ngày thứ hai của hành cả đoàn xuất phát Nha Trang qua cung đường ven biển khá đẹp. Trong những tình huống vượt xe cùng chiều thì hộp số của xe chưa thực sự lanh lẹ với khi tôi thốc ga, độ trễ của tăng áp vẫn còn đôi chút nhưng ở mức chấp nhận được. Những ai yêu thích cảm giác bứt tốc nên chuyển sang chế độ số tay đê dồn số "ép tua" thì xe sẽ bứt tốc tốt hơn.

Sau giờ ăn trưa ở biển Đại Lãnh, tôi đã có dịp thử một tính năng khá hay là khởi động từ xa. Ngồi trong nhà hàng và nhấn nút khởi động xe và khá yên tâm là dù xe nổ máy nhưng cửa vẫn khoá và máy lạnh tự động cài đặt ở mức 25 độ để làm mát sẵn không gian trong xe. Trong vòng 10 phút sau đó nếu không sử dụng thì xe sẽ tự động tắt máy. Khi bước ra xe, cần phải nhớ nút "unlock" rồi đưa chìa khoá vào ổ rồi xoay sang nấc ACC (dù cho xe vẫn đang nổ máy) thì mới có thể vào số và lăn bánh được.

Trong ngày đầu cầm lái, dàn lạnh trước của Trailblazer làm lạnh nhanh và chặng sau tôi ra phía sau "hưởng thụ" đôi chút. Hàng ghế thứ hai rộng rãi ngay khi ngồi 3 người và có độ ngả lưng tạm ổn. Khi ngồi thử ở hàng thứ ba thì đầu gối không chạm vào lưng ghế hàng hai nhưng có lẽ chỉ phù hợp cho người khoảng 1m7 trở lại, những ai "to con" thì ngồi hàng hai sẽ hợp lí hơn. 

Dàn lạnh riêng cho hàng ghế thứ 2 và 3 được thiết kế 2 khe thoát gió cho mỗi hàng ghế, thổi từ trần xe xuống và có thể điều chỉnh mức gió riêng. Các hàng ghế rộng rãi có được nhờ vào trục cơ sở lên đến 2.845mm (hơn Fortuner 100mm).

Trong ngày thứ hai của hành trình, tôi lái thường xuyên đạp hết ga khi vượt xe khác, mức tiêu thụ nhiên liệu theo đồng hồ báo 8,5 lít/100km khá ổn, những ai lái xe điềm tĩnh chắc chắn sẽ đạt mức tiêu thụ ít hơn. Với bình dầu đầy 76 lít thì Trailblazer lăn bánh được gần 900km, bạn có thể thoải mái tận hưởng chuyến đi và chẳng phải lo đến việc tìm kiếm trạm xăng liên tục. 

Đặc biệt, các hệ thống an toàn mới nhất như cảnh báo va chạm, điểm mù hay lệch làn đường hỗ trợ cho người điều khiển rất tốt. Chỉ riêng hệ thống Adaptive Cruise control (xe tự động tăng/giảm khoảng cách với xe trước) thì Trailblazer chưa được trang bị như Everest, nếu có thì Trailblazer gần như là hoàn hảo.

Trong ngày thứ 3, cả đoàn về thành phố Nha Trang và được thưởng thức đặc sản...kẹt xe vào giờ tan tầm. Nhờ xe cao nên tầm nhìn khá thoải mái, các hệ thống cảm biến khoảng cách, camera lùi hay vô-lăng nhẹ nhàng hỗ trợ khá tốt cho việc luồn lách một chiếc xe 7 chỗ trong thành phố.

Đánh giá chung

Với giá bán khoảng 1 tỷ đồng đổi lại một chiếc SUV 7 chỗ rộng rãi, hệ dẫn động 4WD đi cùng hàng loạt hệ thống an toàn như cân bằng điện tử, chống lật, cảnh báo va chạm hay chệch làn đường và bỏ qua khuyết điểm chỉ có 2 túi khí cho hàng ghế trước. Có thể nói Chevrolet Trailblazer 2.5 VGT 4x4 AT LTZ là chiếc xe 7 chỗ "full option" có giá bán tốt nhất trong phân khúc. 

Với mức giá này thì khách hàng chỉ có thể mua được phiên bản 1 cầu (4x2) từ các đối thủ khác và trang bị cũng ít hơn. Đặc biệt, nếu so sánh cả hai phiên cao cấp nhất của Trailblazer và Everest thì ứng viên của Chevrolet có giá bán thấp hơn đến gần 400 triệu đồng, một con số rất đáng để cân nhắc cho một chiếc SUV 2 cầu. Bên cạnh đó, Trailblazer cũng có hai phiên bản thấp hơn có giá bán từ 859 triệu phục vụ cho việc kinh doanh vận tải. 

Bạn cảm thấy bài viết hữu ích?

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất