Outlander Experience – Sau tay lái “kẻ chinh phục”

Chuyên đề: Tin xe trong nước
Chỉnh sửa lúc: 07/08/2016

Ngay trong khuôn khổ sự kiện ra mắt All New Outlander, các đại diện truyền thông cùng các khách hàng đã có cơ hội trải nghiệm và khám phá những tính năng nổi bật ẩn chứa bên trong một dáng vẻ lịch lãm, cá tính đến từ ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield. Và mẫu CUV chiến lược của Mitsubishi đã không làm tôi phải thất vọng.

Đường chạy của Trường đua Happyland được phân thành hai khu vực, on-road và off-road. Đội hình bao gồm ba chiếc Outlander 2.0 CVT  được bố trí dành cho mặt đường nhựa, trong khi ba mẫu Outlander 2.4 CVT dẫn động bốn bánh sẽ đối mặt với thử thách từ các đoạn đất bùn sũng nước sau cơn mưa to trước đó. Trước khi bắt đầu, Ban tổ chức không quên phổ biến các quy định về an toàn để Outlander Experience có thể diễn ra suôn sẻ và trọn vẹn.

Đây là lần thứ hai nhóm danhgiaXe có dịp “chinh chiến” tại trường đua Happyland, dù không quá lạ lẫm nhưng bản thân tôi vẫn cảm thấy rất hào hứng khi được cầm lái một chiếc crossover đô thị quần thảo ở cả hai khu vực đậm “chất chơi” như thế này.

Ngồi vào ghế lái ở phiên bản tầm trung 2.0 CVT, Outlander cho cảm giác khá thân thuộc với vô-lăng ba chấu bọc da cùng hai lẫy chuyển số nhũ bạc đặc trưng của Mitsubishi. Sau khi điều chỉnh ghế cho vừa vặn, tôi không mất quá nhiều thời gian để làm quen với tầm quan sát nhờ cột chữ A thiết kế gọn và gương hậu có kích thước tốt, nhưng chắc hẳn là khi cờ đã phất thì thì ai lại quan tâm phía sau nữa cơ chứ. Chạm tay vào nút khởi động, anh chàng Outlander rung lên nhè nhẹ rồi ngay lập tức cabin lại trở nên yên tĩnh, một sự êm ái và độ cách âm đúng chuẩn “Made in Japan”. Bất ngờ hơn cả chính là tay lái trợ lực điện, có thể nói là nó nhẹ quá mức cần thiết bởi ngay cả khi đánh lái nguội chẳng hề gặp khó khăn nào. Điều này chắc hẳn sẽ giúp phái nữ dễ dàng hơn khi điều khiển Outlander trong các đường đô đông đúc, nhưng riêng cá nhân tôi vẫn thích tay lái trợ lực dầu như của Triton với cảm giác rất chân thực và chuẩn xác dù cho có phải “vất vả” hơn đôi chút.

Hít thở sâu đôi chút, lục lại trí nhớ hình ảnh về những góc cua trong khi chờ hiệu lệnh xuất phát cho vòng chạy đầu tiên, và rồi cờ đã phất. Không chần chừ, tôi chuyển chân phải sang chân ga rồi nhấp toàn lực, 143 mã lực từ bốn xilanh đáp ứng gần như tức thì, hộp số vô cấp INVECS III truyền lực kéo đến cầu trước đưa chiếc xe lao đi rất mượt mà, không hề “giật cục”. Kim đồng hồ nhích nhanh đến con số 80 trên đoạn đường gần 100 mét thì xe tiến vào khúc quanh đầu tiên, tôi chuyển về bàn đạp phanh và giảm tốc đôi chút, các bánh xe vẫn bám chặt lấy mặt đường. Các góc cua sau đó xuất hiện liên tiếp nhưng các bánh dẫn hướng làm việc hết sức chính xác giúp tôi giữ cho xe luôn ở đúng vị trí mong muốn, luồn lách liên tục thế này thì vô-lăng nhẹ rõ ràng là một ưu điểm lớn của Outlander.

Đến với bãi cọc tiêu của bài lái zic-zac, khoảng trống để di chuyển “luồn kim se chỉ” là vừa đủ, may mắn thay nhờ có nắp capo cao rộng nên tôi đã có thể canh chỉnh chính xác và không cán phải vật cản nào. Và tại đích đến, người bạn hướng dẫn không quên nhắc tôi thử tính năng phanh gấp của Outlander, liếc sang đồng hồ đang ở 40km/h, khi còn cách vạch kết thúc tầm 20 mét tôi ấn hết chân phanh để dừng xe. Lúc này rõ là chân phanh hơi nặng một chút nhưng không độ trễ không đáng kể và cho cảm giác rất an tâm.

Tiến vào vị trí xuất phát cho vòng chạy thử cuối, tôi đưa cần số sang vị trí L để sử dụng hai lẫy chuyển số thể thao, tính năng mà rất ít hãng trang bị ở phân khúc CUV. Nhờ 6 cấp số ảo mà những khi tôi nhồi chân ga lúc xe chuẩn bị thoát khỏi khúc quanh xe không còn bị ì lại đôi chút như ở vòng chạy trước. Ở đoạn cua gắt nhất trong xa hình, lần này tôi đánh liều chỉ gác hờ chân phanh rồi đánh hết lái về trái, và đúng như mong đợi thì hệ thống cân bằng điện tử ASC đã hoạt động hiệu quả, tiếng lốp rít ken kén dưới mặt đường cùng thân xe chao mạnh rồi ngay lập tức cân bằng trở lại. Qua được khỏi đây an toàn xem như All New Outlander đã hoàn thành xuất sắc bài kiểm tra, tôi nhanh chóng đưa xe về đích đến để chuẩn bị thử sức ở phần off-road.

Chuyển sang ngồi vào phiên bản 2.4 CVT, khu vực cạnh phanh tay xuất hiện thêm một nút kích hoạt của hệ thống dẫn động bốn bánh AWC. Mitsubishi mang đến ba chế độ vận hành bao gồm: 4WD ECO – dẫn động cầu trước, tự động chuyển sang dẫn động 2 cầu khi bánh sau mất lực bám; 4WD AUTO – truyền động cả 4 bánh tự động tùy theo điều kiện di chuyển; 4WD LOCK - truyền động 2 cầu có khóa vi sai trung tâm dùng đặc trị cho đường xấu.

Có lẽ cơn mưa nặng hạt khi All New Outlander ra mắt đã không mấy ngăn cản được chiếc CUV của Mitsubishi vượt qua các bài thử từ ban tổ chức. Đầu tiên là bài thử nghiệm tính năng hỗ trợ khởi hành ngang dốc HSA, việc chuyển từ chân phanh sang chân ga khi xe ở lưng chừng gốc chẳng hề gặp khó khăn và trở ngại nào. Tiếp đến là các đoạn mấp mô, dốc nghiêng và đất nhão, tất cả đều rồi bị bỏ lại sau lưng của Outlander ki mà khóa vi sai trung tâm phát huy rõ công năng khi lực kép được truyền đồng đều đến các bánh xe, đưa “kẻ chính phục” lầm lũi tiến về vạch đích.

Dẫu sau, những thử thách này phần nào vẫn ở mức vừa phải, phù hợp và cho thấy được khả năng của Outlander - một mẫu xe đa năng thích hợp với nhiều nhu cầu đi lại khác nhau, đầy đủ các tính năng tiện nghi, khả năng hỗ trợ và an toàn đáng tin cậy. Kết thúc một buổi trải nghiệm cùng All New Outlander tôi cảm thấy rất hài lòng, hy vọng rằng nhóm danhgiaXe sẽ sớm gặp lại người bạn này và có được đầy đủ những nhận xét đánh giá về mẫu CUV đế từ Nhật Bản.

Bạn cảm thấy bài viết hữu ích?

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất