10 cách để có một chuyến đi an toàn vào cuối tuần

Chuyên đề: Hướng dẫn sử dụng & Kinh nghiệm lái xe
Chỉnh sửa lúc: 29/05/2015

Vào mỗi dịp cuối tuần, nhiều gia đình thường lên kế hoạch cho những chuyến dã ngoại. Lượng xe đi lại trên đường vào thời điểm này vì thế rất đông, dễ xảy ra tai nạn. Do đó bên cạnh những hành lý, tư trang cần thiết phục vụ cho chuyến đi chơi, an toàn là yếu tố bạn cần đặt lên hàng đầu. Và để có một chuyến đi an toàn vào cuối tuần, bạn cần chuẩn bị những bước sau

1. Chắc chắn rằng bạn đang được nghỉ ngơi trước chuyến đi

Hãy chắc chắn rằng trước chuyến đi của mình vào sáng hôm sau thì ít nhất là tối hôm nay bạn đã được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Bên cạnh đó, nếu đang phải dùng một số loại thuốc có ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của hệ thần kinh, hoặc cảm thấy tâm lý căng thẳng.. thì bạn cũng không nên cố gắng để cầm lái, dù là cầm lái để đi chơi. Tốt nhất, tối trước ngày đi chơi bạn cần được ngủ đủ 8 tiếng, và trong chuyến đi nếu cảm thấy mệt mỏi, không đủ tập trung thì nên dừng lại để nghỉ ngơi hoặc là thay tài khác.

2. Lên kế hoạch trước cho chuyến đi

Vạch rõ lộ trình, thời gian và xác định tuyến đường thuận tiện nhất. Bên cạnh đó với những chuyến đi xa thì bạn cũng cần tìm hiểu kỹ trước thông tin về địa điểm các trạm xăng trên đường, các trạm bảo dưỡng, địa điểm các khu ăn uống, nghỉ lao giữa đường… những thông tin này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và nắm thế chủ động tốt hơn.

3. Đảm bảo tất cả đều sử dụng dây an toàn

Trước khi xe chuyển bánh, hay kiểm tra, nhắc nhở và chắc chắn rằng tất cả mọi thành viên trên xe đều đã thắt dây an toàn, không ló đầu ra cửa sổ xe trong lúc xe di chuyển…

4. Nghỉ ngơi giữa chuyến đi

Hãy nhớ rằng không chỉ người cầm lái và động cơ xe mới biết mệt mỏi trong một hành trình dài, kể cả những hành khách ngồi sau cũng cần được nghỉ ngơi khi phải ngồi trong xe hàng tiếng đồng hồ. Bạn có thể cho gia đình, đoàn của mình nghỉ ngơi khi cần thiết để thư giãn đôi chân, đi vệ sinh, lót dạ.... Với lịch trình và tuyến đường đã được vạch sẵn trước đó, dĩ nhiên bạn nên xác định trước mình sẽ dừng ở những điểm nào để thuận tiện nhất cho những nhu cầu đó. Đây cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi cho người cầm lái để tiếp tục hành trình một cách an toàn hơn.

5. Không nghe/gọi điện thoại hoặc nhắn tin trong khi lái xe

Những cuộc gọi hay tin nhắn sẽ khiến người lái mất tập trung và đó là nguy cơ gây tai nạn rất phổ biến. Do đó để đảm bảo an toàn cho chuyến đi thì bạn không nên sử dụng điện thoại trong lúc đang lái xe, nếu cần thiết phải sử dụng thì tốt nhất là nên tấp xe vào lề đường một cách an toàn.

6. Không vượt quá giới hạn tốc độ

Dù bạn đang rất phấn khởi với chuyến đi của mình và mong đến đích thật sớm thì lời khuyên tốt nhất vẫn là không nên “rồ ga”. Như đã nói, vào những dịp cuối tuần lượng xe cộ lưu thông trên đường là rất đông, do đó nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao hơn. Bên cạnh đó, tốc độ cao cũng sẽ khiến bạn không kịp xử lý các tình huống bất ngờ như người đi bộ hay động vật đột ngột xông ra đường. Chạy đúng tốc độ quy định và tuân thủ các tín hiệu giao thông luôn là cách tốt nhất để đảm bảo sự an toàn cho chuyến đi của bạn.

7. Luôn cẩn trọng

Có thể bạn là một tay lái “cừ” nhưng bất cứ ai cũng không thể lường trước được những sự cố có thể xảy ra trên đường đi. Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn vừa cầm lái vừa cố ngoái lại phía sau để nói chuyện với mọi người? Bạn có thể xử lý kịp những tình huống bất ngờ xảy ra? Do đó cách tốt nhất là hãy cẩn trọng và giữ một khoảng cách an toàn với cả những xe đi phía trước và phía sau. Bên cạnh đó nếu như điều kiện thời tiết trở nên xấu đi thì bạn cũng cần phải cẩn thận hơn.

8. Chuẩn bị hộp cứu thương

Không ai biết trước được chuyện gì có thể xảy ra trong chuyến dã ngoại cuối tuần của mình, vì thế chuẩn bị sẵn hộp cứu thương trên xe là điều cần thiết. Hãy chắc chắn rằng trong hộp cứu thương mà bạn chuẩn bị có các vật dụng như: chăn, nước, đèn pin, pin dự phòng, băng gạc, thuốc sát trùng, vật liệu cầm máu…

9. Cho người khác biết về hành trình của bạn

Đó là một người không thuộc trong nhóm của bạn. Hãy nói cho họ biết về thời gian xuất phát, điểm đến, những cung đường bạn đi qua… và cả số điện thoại của một số người trong chuyến đi. Cho họ biết khi bạn đã đến nơi an toàn hay gặp sự cố nghiêm trọng nào đó, đây sẽ là cầu nối quan trọng để bạn nhận được sự cứu trợ kịp thời khi có sự cố xảy ra.

10. Không uống rượu khi lái xe

Sử dụng rượu sẽ khiến bạn mất đi sự tập trung và khả năng xử lý chính xác khi ngồi sau vô-lăng. Do đó, nếu đã uống rượu, tuyệt đối không nên cầm lái để đảm bảo an toàn cho mình và những người trên xe.

Theo blog.iseecars

Bạn cảm thấy bài viết hữu ích?

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất