Cân nhắc chọn xe gầm cao nhập khẩu tầm 2 tỷ giữa Ford Explorer và Subaru Outback

Chuyên đề: Tư vấn mua xe
Chỉnh sửa lúc: 15/03/2024

Có trong tay 2 tỷ đồng cùng mong muốn chọn được một mẫu xe gầm cao nhập khẩu chất lượng, bạn sẽ đứng giữa kha khá các “gạch đầu dòng” khác nhau đến từ khắp các châu lục. Ở bài viết lần này, danhgiaXe tiếp tục chọn ra hai cái tên ở hai trường phái tương đối khác biệt, đại diện cho những nét văn hóa cũng nhu cầu sử dụng đặc trưng của đất nước sở tại: Ford Explorer – crossover 7 chỗ và Subaru Forester – “wagon gầm cao” 5 chỗ.

Bài viết mới cập nhật:

Tư vấn mua xe SUV, các dòng xe gầm cao 5 chỗ, 7 chỗ giá xe & ưu nhược điểm

Trước hết, Explorer hiện được Ford Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ với một phiên bản duy nhất, và giá bán dành cho Explorer Limited 2.3L EcoBoost là 2.180 triệu đồng. Trong khi đó, mẫu xeđược Subaru sản xuất tại Nhật Bản có hai tùy chọn động cơ cho khách hàng: Outback 2.5i-S - 1.783 triệu và Outback 3.6R-S - 2.265 triệu. Về cơ bản, cặp đôi Outback có giá bán khác biệt chỉ vì dung tích động cơ hơn kém nhau trong khi danh sách trang bị tương đồng đến 96%.

Xem thêm:

Cân nhắc chọn Subaru Forester hay Mercedes GLC với 1,8 tỷ đồng
Mua bán xe ô tô Subaru Outback

Phong cách thiết kế

Nhờ vào việc “học hỏi” từ thương hiệu mà mình tường sở hữu là Land Rover, Ford biến thế hệ Explorer thứ 5 một diện mạo đầy nam tính, gãy gọn nhưng vẫn không kém phẩn hiện đại. Đây thật sự là một lợi thế lớn cho mẫu xe Mỹ khi mà khách hàng Việt Nam vốn rất ưa thích thiết kế của những chiếc Range Rover đắt tiền.

Như một truyền thống “bất thành văn” của Subaru thì ngoại hình sẽ luôn là điểm để người đối diện cảm thấy khó gần, và Outback cũng không ngoại lệ với các đường nét có phần giản đơn cũng như dáng xe được “kéo dài” nhằm tạo nên không gian bên trong cực kì rộng rãi. Nôm na thì Subaru luôn chú trọng việc tối ưu hóa các giá trị sử dụng cho chủ xe hơn là tạo nên những bản vẽ chiều theo thị hiếu của số đông còn lại.

Xét đến danh sách trang bị, cán cân nghiêng về phía Explorer đôi chút nhờ vào mâm xe hợp kim 20-inch so với 18-inch, tay nắm cửa mạ chrome, khóa cửa mật mã cũng như có thêm bệ bước chân bên thân xe, còn lại dường như mọi tính năng đều giống nhau từng tí một. Đó là đèn chiếu sáng LED tự động bật/tắt/điều chỉnh góc chiếu, đèn hậu LED, gương chiếu hậu chỉnh/gập điện tích hợp đèn báo rẽ và thanh gá nóc cho việc chở thêm hàng hóa hay hành lý.

Xem thêm:

Đánh giá Ford Explorer 2024: Nâng cấp toàn diện - Hiện đại, tiện nghi, mạnh mẽ và an toàn hơn

Khả năng di chuyển

Mẫu xe 7 chỗ cỡ trung do được ‘thai nghén” để phục vụ cho đường xá Hoa Kỳ nên sở hữu kích thước thật sự to lớn - Dài x Rộng x Cao lần lượt 5.037 x 2.005 x 1.813 (mm), vậy nên cầm lái Explorer đi trên đường trường cạnh các chiếc xe tải thì sẽ rất tự tin và không hề lo lắng. Nhưng đổi lại việc len lỏi ở đường nội đô Việt Nam chắc hẳn sẽ chẳng mấy dễ chịu đối với người ngồi sau vô-lăng dù Ford đã cố gắng hỗ trợ hết mức với cụm trợ lực điện thích ứng, hay như việc tìm một nơi vừa vặn để đỗ xe sẽ là đầy thử thách dù đã có hệ thống hỗ trợ đỗ xe hay cụm camera trước - sau 180 độ.

Subaru Outback tỏ ra hài hòa hơn cho cả hai trường hợp trên so với đối thủ nhờ các kích thước được phân bổ hợp lý, số đo ba trục chính của mẫu xe Nhật Bản đạt 4.815 x 1.840 x 1.675 (mm) trong khi khoảng sáng gầm xe tối thiểu khi đủ tải sẽ đến 213 (mm), linh hoạt hơn hẳn so với Explorer vốn chỉ có khoảng sáng gầm 198 (mm). Thêm một điểm cộng cho Outback chính là cảm giác lái, bất lể trên địa hình hay ở tốc độ nào thì Subaru vẫn luôn đảm bảo những phản ứng của thân xe cũng như phản hồi từ mặt đường là chân thực nhất, đủ khiến bất kì bác tài khó tính nào cũng phải thích thú và “say mê”.

Không gian hành khách và hành lý

Với việc chênh lệch với số lượng ghế ngồi, chiều dài cơ cở của Explorer cùng Outback hơn kém nhau tương ứng 2.866 và 2.754 milimet. Còn cảm nhận từ thực tế thì chắc hẳn 5 hành khách của Subaru sẽ thoải mái hơn hẳn khi mà mọi sự đo đạc về khoảng duỗi chân, không gian trần xe hay độ rộng đều được tối ưu hơn hẳn. Chiếc xe 7 chỗ từ Ford tuy to con hơn thật, nhưng khi mà không gian cần được san sẻ đồng đều thì mỗi thành viên lại thiếu đi đôi chút sự dễ chịu cho riêng mình, nhất trong các chuyến đi xa. Còn nếu muốn thoải mái nhất có thể cùng Explorer, bạn cần phải ngồi ở hàng ghế đầu với chức năng sưởi và massage.

 

Explorer có dung tích khoang hành lý tiêu chuẩn đạt 596 lít và sẽ tăng thêm khi gập hàng ghế thứ ba 50:50 và thứ hai 60:40 lần lượt là 1.243 và 2.314 lít. Đáng chú rằng ngoài việc phải chỉnh cơm hàng ghế giữa thì bạn có thêm các nút chỉnh điện khá thuận tiện để tùy ý bố trí hàng ghế cuối theo nhu cầu sử dụng của mình. Về phía Outback, các thao tác lẫy gập ghế bằng cơ tuy đơn giản nhưng có ưu điểm là nhanh chóng và ít có rủi ro hư hỏng như các chi tiết điện tử của Ford. Ngoài ra thì với thể tích tối đa khi mở rộng lên đến hơn 1.800 lít thì chẳng mấy vật dụng hay hành lý làm khó được chiếc “wagon nâng gầm” của Subaru.

 

Tính năng tiện nghi

Tuy cách bày trí có thể không bắt mắt hay vật liệu không bóng bẩy được như Explorer nhưng Outback vẫn đủ tự tin để so kè ở hạng mục trang bị tính năng, yếu tố mà các khách hàng chọn mua xe cao cấp luôn rất chú trọng.

 

Trước hết, Ford cung cấp hệ thống thông tin giải trí gồm dàn âm thanh cao cấp Sony 12 loa công suất 500 watt với loa siêu trầm, đầu DVD , hệ thống SYNC®3 độc quyền với khả năng điều khiển giọng nói và phát Wifi, cổng kết nối USB/Bluetooth, thẻ nhớ SD và hai màn hình LED cho người ngồi ở hàng ghế giữa. Subaru dẫu chỉ sở hữu 6 loa nhưng lại là “hàng hiệu” đến từ Harman/Kardon (bản Outback 3.6R-S), ngoài ra còn có đầu CD một đĩa được bố trí ẩn trên màn hình cảm ứng LED 7-inch, hỗ trợ kết nối Bluetooth/USB hay cả tính năng trợ lý ảo Siri Eyes Free cho các thiết bị Apple. Có thể thấy, cả hai thương hiệu ô tô đều cố gắng hết mức để giúp việc giải trí hứng thú hơn, đồng thời mà hỗ trợ việc lái xe an toàn ở mức cao nhất.

Còn lại, Explorer và Outback cùng có cho mình những trang bị xứng đáng với giá bán như điều hòa tự động đa vùng có hốc gió phía sau, nút bấm khởi động, ghế lái chỉnh điệm kèm nhớ vị trí, vô-lăng tích hợp nút bấm và lẫy chuyển số thể thao, phanh tay điện tử, cửa sổ trời chỉnh điện, gương chiếu hậu chống chói tự động, cảm biến gạt mưa tự động, bộ rửa đèn pha, cửa sau chỉnh điện kèm ghi nhớ độ cao…

Động cơ hộp số - Vận hành

Ford Explorer Limited được trang bị động cơ xăng 2.3L Ecoboost I-4 kết hợp với hộp số tự động 6 cấp SelectShift® tạo ra công suất 280 mã lực tại 5.600 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 420Nm tại 4.000 vòng/phút. Động cơ tăng áp nhỏ gọn nên giúp Explorer có mức tiêu hao nhiên liệu 10.7 lít/100 km ở điều kiện hỗn hợp . Mẫu xe lớn nhất của Ford tại Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống dẫn động 2 cầu chủ động toàn thời gian 4WD thông minh, tự động điều chỉnh phân phối lực kéo lên cầu trước hay cầu sau một cách linh hoạt và cả bốn chế độ lái từ hệ thống kiểm soát địa hình TMS.

 

Như đã nói bên trên, nhà nhập khẩu Image Motor mang đến hai tùy chọn dung tích động cơ xăng 2.5 và 3.6L. Cụ thể hiệu năng của hai khối “cơ bắp” đối đỉnh này khi kết hợp với hộp số vô cấp biến thiên CTV và dẫn động 4 bánh đối xứng toàn thời gian Symmertrical AWD độc quyền của Subaru như sau:

• Boxer H4 DOHC 2.5L: công suất tối đa 173 mã lực tại 5.800 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 235Nm tại 4.000 vòng/phút. Mức tiêu thụ nhiên liệu hỗn hợp đạt 7.7 lít/100km
• Boxer H6 DOHC 3.6L: công suất tối đa 257 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 350Nm tại 4.400 vòng/phút. Mức tiêu thụ nhiên liệu hỗn hợp đạt 9.9/100km

 

Tính năng an toàn

Subaru Outback đạt được chứng nhận 5 sao về an toàn từ Euro NCAP nhờ vào một loạt các trang bị sau: 07 túi khí, cụm phanh ABS 4 kênh, hệ thống phanh EBD/BA, hệ thống cân bằng điện tử VDC kiểm soát thân xe, hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc và xuống dốc, chức năng hỗ trợ phanh gấp Brake Override, camera và cảm biến lùi, hệ thống cảnh báo điểm mù, chức năng định hướng moment xoắn chủ động Active Torque Vectoring ATV, động cơ boxer gãy gập khi va chạm và khung xe gia cường.

 

Trong khi đó, Explorer hẳn nhiên cũng “một chính một mười” với khả năng bảo vệ “tận răng” dành cho hành khách không hề thu kém mẫu xe Nhật Bản khi Ford mang lên “bàn cân” các tính năng sau: hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ đổ đèo, hệ thống chống trượt, hệ thống ổn định chống lật AdvanceTrac, cảnh báo và canh thiệp khi chệch làn đường, cảnh báo điểm mù, hỗ trợ đỗ xe và cảnh báo phương tiện cắt ngang, hệ thống cảnh báo áp suất lốp và 10 túi khí với túi khí dành cho đầu gối người lái.

 

Kết luận

Nếu không “đặt cạnh nhau” thì khó mà thấy được cả hai mẫu có nhiều điểm chung đến bất ngờ, từ trang bị nội ngoại thất đồng đều, các giá trị sử dụng chính yếu như không gian rộng rãi hay tính an toàn cực cao, cho đến khả năng vận hành cơ động đặc trưng từ Ford cũng như Subaru.

Tuy nhiên, về sau cùng ta vẫn nhận ra rằng, nếu Explorer vốn thích hợp “chinh chiến” trên những chuyến đi xa với nhiều hành khách hơn là dành cho phố xá đông đúc, thì Outback lại thích ứng tốt hơn với cả hai môi trường ấy, vừa đủ linh hoạt ở đô thị nhưng vẫn đầy vững vàng và đáng tin cậy trên đường trường. Vậy, nếu chưa cần đến hàng ghế thứ ba thì Subaru chắc hẳn đã có một sự lựa chọn không hề tồi dành cho bạn ở tầm tiền 2 tỷ, còn Ford vẫn sẽ tiếp tụ thành công cùng mẫu gầm cao 7 chỗ của mình tại Việt Nam.

Bạn cảm thấy bài viết hữu ích?

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất