Khó như kinh doanh... ôtô!

Chuyên đề: Tin xe tổng hợp ,Tin xe trong nước
Chỉnh sửa lúc: 03/06/2016

Xăng dầu không đồng nhất về chất lượng; thiếu công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng kém… là hàng loạt nguyên nhân khiến các hãng xe hơi ngoại khó phát triển ở thị trường Việt Nam.

Thị trường ôtô Việt Nam chưa ổn định

Phát biểu tại lễ ra mắt dòng xe 911 thế hệ mới vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Andreas Klingler - Tổng giám đốc Porsche Việt Nam - không ngại ngần cho rằng, chính việc nhiên liệu (xăng, dầu) không đạt chuẩn đã khiến cho hãng xe Đức chưa mạnh dạn phát triển các dòng “siêu xe” ở Việt Nam. Theo ông Andreas Klingler, năm 2015, đã có vài chục khách hàng mua xe Porsche tại Việt Nam đem đến trạm bảo hành, nguyên nhân chủ yếu là máy móc bị hư hỏng do chất lượng các loại xăng dầu “không đạt chuẩn”.

Ở một góc độ khác, công nghiệp hỗ trợ ôtô chưa theo kịp công nghiệp sản xuất chế tạo, đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài như Công ty TNHH Ôtô SanYang Việt Nam gặp khó khăn khi muốn mở rộng quy mô hoạt động ở Việt Nam. Ông Harrison Liu - Tổng giám đốc San Yang Việt Nam - cho hay: “Càng sản xuất nhiều xe càng cần nhiều phụ tùng. Nhưng các hãng xe nước ngoài có nhà máy sản xuất tại Việt Nam như chúng tôi gặp khó khăn là không có hãng phụ tùng ở Việt Nam”. Hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có công ty chuyên chế tạo phụ tùng ôtô. “Không có những công ty chế tạo phụ tùng thì sao làm được ngành công nghiệp xe ôtô” - ông Harrison Liu nói thêm.

Thêm một yếu tố nữa cũng cản trở các dòng xe sang có độ an toàn cao phát triển ở Việt Nam chính là hạ tầng. Anh Nghĩa - tài xế xe BMW series 730 của một ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Hạ tầng không đủ tốt, giao thông đô thị luôn kẹt xe đã ảnh hưởng không nhỏ đến độ bền của xe với khung gầm nặng như BMW 730. Vì thế, sau một thời gian chạy sẽ phải sửa chữa rất nhiều với chi phí thấp nhất từ vài chục triệu đồng, đến hàng trăm triệu đồng, cho mỗi lần sửa… Đây cũng là lý do khiến nhiều khách hàng e ngại mua dù rất thích.

Trong bối cảnh các yếu tố “cần” còn thiếu và yếu, thì một nguyên nhân không kém phần quan trọng đang làm nản lòng các nhà đầu tư trong ngành ôtô là thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao. Ông Andreas Klingler cho rằng, thuế tăng và thay đổi liên tục, khi điều chỉnh giá xe sẽ đội lên do phải “cõng” thêm các khoản phí. Còn nhớ, tại cuộc họp công bố kế hoạch kinh doanh năm 2015, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) Yoshihisa Maruta đã bày tỏ quan điểm về việc công ty này đang cân nhắc ngưng sản xuất ôtô tại Việt Nam hay nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN. Theo ông Maruta, trung bình một mẫu xe mất khoảng ba năm chuẩn bị mới đưa ra thị trường, trong khi theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN đến năm 2018, mức thuế này sẽ giảm xuống bằng 0%.

Ông Harrison Liu cũng phân tích thêm: Các loại chi phí cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt đã khiến cho một chiếc xe từ khi sản xuất đến lúc giao cho khách hàng giá thành bị đội lên gấp hai, ba lần. Điều này đang khiến nhu cầu tiêu thụ xe ôtô nói chung bị hạn chế. Ngoài ra, chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam vẫn còn thiếu sự ổn định, nên việc lựa chọn nhập khẩu hay mở thêm nhà máy sản xuất tại Việt Nam vẫn đang làm “đau đầu” các doanh nghiệp kinh doanh ôtô tại thị trường Việt Nam.

Ngay tại thị trường Việt Nam được tiếng chuộng xe Nhật nhưng các thương hiệu như Mitsubishi, NissanIsuzu cũng khá trật vật.

hiện này các nhà phân phối ô tô Việt Nam đang hướng tới các nước sản xuất xe lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia,.. khi mà thuế nhập khẩu đang giảm dần về 0% đến năm 2018. Trong đó phải kể đến Xe Mitsubishi, Ford,..

Ý kiến của nhiều hãng xe khác cho rằng, nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ cụ thể, dựa trên chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp ôtô đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 sớm được công bố, các doanh nghiệp sẽ chuyển sang nhập khẩu thay vì nhập khẩu linh kiện về lắp ráp.

Bạn cảm thấy bài viết hữu ích?

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất