Vì sao người Việt không “ưa” xe Trung Quốc

Chuyên đề: Tin xe trong nước
Chỉnh sửa lúc: 07/05/2014

Bỏ qua cái nhìn thành kiến hay mang màu sắc chính trị, nhiều người tiêu dùng vẫn không thể ưa nổi những chiếc xe đến từ Trung Quốc. Thực tế cho thấy, chính các nhà sản xuất xe hơi của đất nước đông dân nhất thế giới đã tự “giết” chết sản phẩm của mình.

Không chỉ ở Việt Nam, ôtô Trung Quốc đang ngày càng tệ hơn trong mắt người dùng trên thế giới và ngay cả chính bản thân người dân Trung Quốc. Nhiều chuyên gia Trung Quốc thừa nhận, người dân nơi đây đang tỏ ra kém mặn mà với các dòng xe thuộc những thương hiệu xe hơi nội địa vì các lí do sau đây:

1. Không đảm bảo an toàn

Sở dĩ những chiếc xe Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều so với các thương hiệu xe hơi đến từ châu Âu và Mỹ là do họ đã tiết kiệm được những khoản tiền không nhỏ từ việc cắt giảm chi phí thử nghiệm an toàn. Vì lợi nhuận, họ đã quên việc bảo vệ tính mạng cho người dùng.

Theo Reuter, thay vì 150 lần thử nghiệm an toàn cho mỗi sản phẩm mới, Geely Group, một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Trung Quốc chỉ thử nghiệm 20-25 lần để cắt giảm chi phí. Trong khi đó, đồng nghiệp của Geely trên thế giới tiến hành trung bình 125-150 lần thử cho mỗi sản phẩm mới.

Nhiều hãng xe Trung Quốc “ăn bớt” quy trình thử nghiệm an toàn để giảm chi phí 

Chính vì thế mà chất lượng và độ an toàn của xe Trung Quốc vẫn ở khoảng cách xa so với xe Mỹ hay châu Âu. Các nhà sản xuất thực hiện rất ít lần thử. Chính phủ có tiêu chuẩn an toàn, nhưng lại không quy định phải thử nghiệm bao nhiêu lần để đảm bảo an toàn trước khi sản xuất.

2. Chất lượng kém

Cũng vì cắt giảm chi phí, rút ngắn quá trình sản xuất, sử dụng vật liệu rẻ tiền… các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đã khiến những sản phẩm của họ bị đánh giá là có chất lượng tồi kể cả trong sử dụng và độ bền.

Xe Trung Quốc không được đánh giá cao về chất lượng

Tốc độ phát triển chóng mặt của nền kinh tế Trung Quốc đã dẫn tới sự ra đời của hơn 100 nhà sản xuất ôtô nội địa vào đầu thế kỷ 21, nhưng họ rất thiếu kinh nghiệm. Và phương thức để tồn tại của họ đơn giản là: nhái thiết kế của các hãng xe ngoại, lược bỏ những chi tiết, trang bị không “thiết yếu” và làm tăng chi phí, ví dụ như làm sao để cửa xe đóng êm, hay cửa số điện và túi khí ở bên ghế phụ. Việc này đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của xe. Sau vài năm sử dụng, cản sốc và tay nắm cửa có thể long ra bất cứ lúc nào.

Còn nhớ, vào tháng 10/2012, cơ quan giám sát tiêu dùng của Australia cho biết, một nhà nhập khẩu của đất nước này đã thu hồi 23.000 chiếc xe do Trung Quốc sản xuất sau khi phát hiện thấy amiăng (một chất có thể gây ung thư) bên trong động cơ và đệm bộ xả của xe. Điều này lại càng tạo nên cái nhìn có phần phản cảm đối với xe hơi Trung Quốc.

Lifan 520 đang chạy gãy cả...trục bánh tại Việt Nam 

3. Sao chép thiết kế

Cũng chỉ vì mục đích cắt giảm chi phí sản xuất mà nhiều doanh nghiệp xe Trung Quốc không thể sáng tạo, họ cắt ngắn quá trình chế tạo xe hơi bằng cách sao chép lại những sản phẩm của hãng xe nước ngoài mà chẳng phải lo lắng gì về vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Vì chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như thời gian nên nhiều nhà sản xuất ôtô Trung Quốc không thể phát triển đội ngũ kỹ sư riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế. Do đó, các công ty thường thuê một số trung tâm thiết kế bên ngoài, nơi có những kỹ sư Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài về làm việc.

 Lifan 320 (dưới) nhái trắng trợn Mini Cooper

Các nhà phân tích cho biết, nhóm trung tâm thiết kế chế tạo này hợp tác với 70-80% hãng xe Trung Quốc, dẫn tới việc các công ty ôtô Trung Quốc dùng chung khá nhiều công nghệ và thiết kế.

Kết quả là người tiêu dùng giờ đây cứ nghĩ đến xe Trung Quốc là nghĩ đến hàng nhái. Danh sách những chiếc xe Trung Quốc bị “tố” có kiểu dáng không khác mấy so với xe Mỹ, xe Nhật, xe Đức ngày càng dài thêm.

Nhiều người cho rằng, xe hơi Trung Quốc không có một nét đặc trưng hay sáng tạo gì ngoài đặc trưng “ăn cắp thiết kế”.

Theo autodaily

Bạn cảm thấy bài viết hữu ích?

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất