Ngồi lái và chú ý

Chuyên đề: Tin xe tổng hợp
Chỉnh sửa lúc: 03/10/2013

Ngồi lái và chú ý

Mazda đang nỗ lực làm việc để đảm bảo những mẫu xe trang bị đầy công nghệ của hãng không làm người lái mất tập trung.

Hãng đã chia cabin của Mazda 3 thành 2 khu vực. Tất cả nút điều khiển và màn hình hiển thị dành riêng cho người lái nằm trong khu vực lái, trong khi mọi thứ liên quan tới tiện nghi và thông tin giải trí đều thuộc khu vực dành cho hành khách

Trên những mẫu xe hiện đại, tính kết nối cao dường như đóng vai trò quan trọng không kém lượng thải khí CO2 và thời gian tăng tốc từ 0-100km/h, đặc biệt đối với khách hàng trẻ tuổi. Sự xuất hiện của các mạng xã hội như Facebook và Twitter trên xe là không thể tránh khỏi, và các hãng xe đang nhận ra tiềm năng gắn liền với các thiết bị di động cơ bản.

Một thách thức lớn cho các nhà sản xuất là tìm ra cách cho phép người ngồi trong xe sử dụng tối đa khả năng vi tính hóa trên một chiếc xe hiện đại mà không làm phân tán năng lực tập trung của người lái. Đây cũng chính là lĩnh vực mà Mazda đang khai thác với thiết kế cabin mới dự kiến có mặt trên mẫu Mazda 3 thế hệ thứ ba chuẩn bị ra mắt.

“Khi những chiếc xe được kết nối nhiều hơn, thông tin sẵn có đối với người lái sẽ tăng lên”, ông Hideki Okano, Trưởng bộ phận phát triển điện tử trên mẫu Mazda 3 mới cho biết. “Rủi ro người lái bị mất tập trung sẽ cao hơn. Là một hãng xe, chúng tôi cho rằng việc kiểm tra lại giao diện tương tác giữa người và máy [HMI] là rất quan trọng nhằm đạt độ an toàn tối đa”.

Mazda tin rằng núm “điều khiển” dạng xoay với các nút bấm là hệ thống điều khiển tốt nhất để đảm bảo giảm thiểu sự mất tập trung về thị giác và tay lái. “Khi bạn chạm vào màn hình cảm ứng, vị trí cơ thể có thể không cân bằng, và bạn cần nhìn vào màn hình để kiểm tra những gì muốn ấn”, ông Okano cho biết. “Núm điều khiển nằm ở vị trí khớp tay được đỡ bởi tay vịn”

Cỗ chiến mã mới trong phân khúc C của Mazda được thiết kế nhằm giúp lái xe giữ tay cầm trên vô-lăng và đặt tầm nhìn trên đường ở mức cao nhất có thể. Tuy không phải là hãng xe đầu tiên khám phá những rủi ro khi người lái mất tập trung, Mazda vẫn dành nhiều cân nhắc và phân tích cho mảng này.


“Khi chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về khía cạnh an toàn của HMI, chúng tôi đã xác định có ba loại mất tập trung khi cầm lái”, ông Okano giải thích. “Loại đầu tiên là mất tập trung liên quan tới thị giác. Bạn muốn nhìn vào màn hình giải trí trong xe, do đó bạn rời mắt khỏi mặt đường. Để giảm tối thiểu sự mất tập trung này, chúng tôi phải giảm hết mức việc rời mắt – tức thời gian cần để chuyển tầm nhìn khỏi mặt đường.

“Sau đó là sự mất tập trung trong nhận thức. Bạn có thể muốn kiểm tra tên ca khúc bạn đang nghe trong khi đang cầm lái, hay kiểm tra tốc độ chạy xe. Đây là những hoạt động khá đơn giản, nhưng chúng có thể gây khó khăn nếu có nhiều thông tin hiển thị trước mặt bạn. Bạn cần suy nghĩ phải nhìn vào đâu để có thông tin mình muốn, và sau đó bạn cần ‘tiêu hóa’ nó, kết quả là đánh mất sự tập trung sau tay lái.

“Loại thứ ba là sự mất tập trung ở tay. Khi bạn muốn vận hành các công tắc, như ở dàn âm thanh nổi, tay bạn sẽ rời tay khỏi vô-lăng và cơ thể có thể tạm thời trở nên mất cân bằng. Trong tình huống đó, chiếc xe của bạn có thể bắt đầu đi quanh co hay đến quá gần phương tiện phía trước.

Mazda không muốn làm giảm tính kết nối mà khách hàng có thể tận hưởng như trên những mẫu xe đối thủ, nhưng hãng cũng cho rằng họ đã làm tốt việc kết hợp các chức năng mà không cần hy sinh độ an toàn.

Ông Okano nói: “Chúng tôi đặt niềm tin vào mọi người và chúng tôi muốn thiết kế những sản phẩm để họ cầm lái. Với ý tưởng về khoang lái mới và độ an toàn mới cho các thiết bị HMI, hiện nay chúng tôi có thể tăng cường tính kết nối trên các mẫu xe của hãng”.
 

Hiển thị thấy ngay

Hệ thống ‘Active Driving Display’, lắp trên phiên bản cao cấp, nằm trong số những trang bị lần đầu xuất hiện trên một chiếc xe thuộc phân khúc C. Nó cho phép lái xe đọc các thông tin quan trọng mà không cần rời tầm mắt khỏi mặt đường. Ba dữ liệu hiển thị ở cùng thời điểm, và thông tin quan trọng nhất luôn ở hàng đầu, thay đổi tùy theo mức độ ưu tiên.

Màn hình hiển thị đa phương tiện cỡ 7 inch

Góc nhìn

Màn hình hiển thị đa phương tiện cỡ 7 inch trên mẫu Mazda 3 mới đặt ở bảng điều khiển, phía trên cụm nút trung tâm. Góc nhìn hướng xuống với lái xe có chiều cao trung bình giảm từ 28 độ trên mẫu Mazda 3 hiện hành xuống còn 16 độ trên phiên bản mới, khiến người lái dễ đọc hơn khi nhìn lướt qua


Cỡ chữ

Nhờ tính toán góc nhìn và khoảng cách từ mắt người lái đến màn hình, Mazda đã xác định kích thước tối ưu cho các ký tự trên màn hình đa phương tiện là 5,3mm. “Câu hỏi tiếp theo là khoảng cách giữa các dòng nên lớn cỡ nào”, ông Okano chia sẻ. “Nhìn chung, khoảng cách bằng 0,7 lần chiều cao của chữ thì khá dễ đọc nếu trong một cuốn sách, nhưng khi tính tới một danh sách, khoảng cách lớn gấp 1,2 lần thì dễ đọc hơn. Như vậy, khoảng cách chuẩn nên là 6,4mm”.

Cung cấp thông tin

Để tránh làm người lái bối rối, Mazda đã tham khảo một học thuyết do nhà tâm lý học George A Miller đề ra vào năm 1956. Học thuyết của Millar khẳng định rằng số đơn vị thông tin mà con người trung bình có thể lưu giữ trong bộ nhớ ngắn hạn là 7, có thể thêm/bớt 2, phụ thuộc vào năng lực cá nhân. Mazda đã quyết định 5 là con số tối ưu với các biểu tượng xuất hiện trên màn hình đa phương tiện.

(Theo AutocarVietnam).

Bạn cảm thấy bài viết hữu ích?

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất