Tự ý sử dụng ô tô để kinh doanh mà không đăng ký sẽ bị phạt thế nào?

Chuyên đề: Tư vấn luật ô tô
Chỉnh sửa lúc: 13/10/2023

Nhiều bác nghĩ đơn giản, xe mua về có thể tự ý sử dụng chở khách, chở đồ trong thời gian rảnh, kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên theo luật, hành vi này sẽ phải chịu mức phạt lên đến 20 triệu đồng.

Vậy, tự ý sử dụng ô tô để kinh doanh mà không đăng ký sẽ bị phạt thế nào? Điều kiện và thủ tục đăng ký ra sao? Các thắc mắc trên sẽ được danhgiaXe giải đáp ngay sau đây.

Xe ô tô dùng để kinh doanh bắt buộc phải đăng ký

Nội dung khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ghi rõ:

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Như vậy, dù là xe các bác mua, thuộc quyền sở hữu của các bác nhưng một khi đã sử dụng để chở khách, chờ hàng để thu lợi nhuận thì đều nằm trong phạm vi của xe kinh doanh. Do vậy, bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, kể cả chỉ tranh thủ thời gian rảnh làm vài “cuốc” kiếm ít “xị” cải thiện thì vẫn sẽ bị phạt như thường, không kể tần suất hoạt động ít hay nhiều.

Tự ý sử dụng ô tô để kinh doanh mà không đăng ký sẽ bị phạt thế nào? Tự ý sử dụng ô tô để kinh doanh mà không đăng ký sẽ bị phạt thế nào?

Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô 

Khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

c) Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

d) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

đ) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Như vậy, với các bác là cá nhân khi phát sinh nhu cầu sử dụng ô tô để kinh doanh vận tải thì điều đầu tiên cần làm là phải thành lập hộ kinh doanh cá thể theo quy định tại Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp này, khi thành lập hộ kinh doanh, các bác cần phải đăng ký những ngành nghề kinh doanh liên quan đến dịch vụ vận tải như: Vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt); Vận tải hành khách đường bộ khác; Vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Sử dụng ô tô để kinh doanh cần thành lập hộ kinh doanh cá thể Sử dụng ô tô để kinh doanh cần thành lập hộ kinh doanh cá thể

Các bước thực hiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải cho hộ kinh doanh cá thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của hộ kinh doanh cá thể bao gồm:

- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu.

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ tại Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hộ kinh doanh đặt trụ sở chính. Các bác có thể nộp trực tiếp nộp thông qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đó.

Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho hộ kinh doanh cá thể.

Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

Bước 4: Nhận kết quả

Lưu ý:

- Ngoài việc đăng ký giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, để không bị phạt thì xe các bác còn phải gắn phù hiệu.

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG”. Phù hiệu này phải được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe;

Ngoài ra, phù hiệu phải được làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; Kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm.

- Ngoài phù hiệu, xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển vàng, nếu không sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải.

Ô tô sử dụng để kinh doanh phải đổi sang biển vàng để tránh bị phạt Ô tô sử dụng để kinh doanh phải đổi sang biển vàng để tránh bị phạt

- Trừ trường hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển phục vụ đám cưới, đám tang, khi dùng xe để thực hiện mục đích kinh doanh vận tải, ngoài các giấy tờ phải mang theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thì các bác còn phải mang theo hợp đồng vận chuyển bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết và danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải.

Mức phạt khi sử dụng ô tô kinh doanh vận tải mà không đăng ký

Tự ý sử dụng ô tô để kinh doanh mà không đăng ký sẽ bị phạt thế nào? Khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, chủ xe nếu không thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ áp dụng các mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu cá nhân kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng xe ô tô nhưng không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.

- Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng xe ô tô nhưng không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.

Lưu ý: Việc sử dụng xe không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký trong Giấy phép kinh doanh vận tải cũng sẽ bị áp dụng các mức phạt như đã nêu trên.

Xem thêm:

Thủ tục sang tên và đổi biển số xe

Thủ tục sang tên khi mua bán ô tô cũ

Đăng kiểm ô tô là gì? Thời hạn, chi phí, giấy tờ và các bước chuẩn bị để đăng kiểm ô tô

Bạn cảm thấy bài viết hữu ích?

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất